Hồ sơ các dự án trọng điểm này được UBND TP HCM giao sở ngành liên quan hoàn thiện, trình HĐND thành phố vào kỳ họp HĐND dự kiến diễn ra đầu tháng 7 để xin chủ trương đầu tư.
Trong đó có những dự án đã phê duyệt và thông qua kế hoạch vốn từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện được như cầu Nguyễn Khoái (nối quận 7, 4, và 1), tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng. Nguyên nhân là UBND quận 4 lo ngại tạo thêm điểm ùn tắc mới, trong bối cảnh khu vực này luôn kẹt xe nghiêm trọng, nên kiến nghị điều chỉnh phương án cho phù hợp.
Ở phương án mới, dự án sẽ làm cầu vượt suốt tuyến từ đường D1, quận 7 (dự án khu dân cư Him Lam Kênh Tẻ) đến quận 1 và có nhánh rẽ xuống quận 4. Kinh phí tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với trước.
Các xe từ quận 7 đi quận 1 (và ngược lại) bằng cầu cạn trên đường Nguyễn Khoái, cầu vượt kênh Tẻ và cầu vượt kênh Bến Nghé, kết nối liên thông với đường Võ Văn Kiệt. Nhờ đó sẽ giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội bộ quận 4, chia sẻ áp lực giao thông với các trục đường từ khu Nam về trung tâm thành phố như Khánh Hội - cầu kênh Tẻ - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ - Dương Bá Trạc - đường 9A...
Đối với nút giao thông An Phú (quận 2) - được kỳ vọng giảm ùn tắc tại giao lộ giữa cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với các tuyến đường khác, ban đầu Bộ Giao thông Vận tải dự kiến dùng nguồn vốn dư từ dự án cao tốc để đầu tư. Nhưng khi thực hiện gặp khó khăn về bố trí vốn nên chính quyền thành phố đã cho lập dự án đầu tư xây dựng nút giao bằng nguồn vốn ngân sách.
Theo phương án thiết kế, nút giao An Phú có 3 tầng gồm hầm chui hai chiều kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại); kết hợp hầm chui theo hướng từ cao tốc vào đường Lương Định Của. Tiếp đó, xây cầu vượt theo hướng từ đường Lương Định Của vào cao tốc và cầu vượt theo hướng từ ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ đi cao tốc.
Trong đó, giai đoạn một sẽ xây hầm chui hai chiều (4 làn xe) kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ, theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) và ngược lại, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (riêng chi phí xây dựng hơn 800 tỷ đồng).
Cao tốc TP HCM - Mộc Bài (nối TP HCM và Tây Ninh) được quy hoạch từ lâu, về nguyên tắc do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, nhưng dự án chưa thể triển khai do một số khó khăn.
Hồi tháng 9, UBND TP HCM và tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho TP HCM có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp thực hiện cùng Tây Ninh.
Hai địa phương đề xuất tự lo kinh phí bồi thường (phía TP HCM khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ đồng); phần kinh phí xây lắp, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ đồng kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Công trình sẽ được đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu chia thành hai phần: TP HCM - Trảng Bàng (dài 33 km, có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5 km, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h). Tổng mức đầu tư gần 10.700 tỷ đồng. Ở giai đoạn hai sẽ làm 6-8 làn xe.
Còn quốc lộ 1A (đoạn từ nút giao Tân Kiên đến Bình Thuận) dự kiến giải toả lộ giới 120 m, giai đoạn đầu sẽ mở rộng phù hợp, đất dự trữ ở giữa trồng cây xanh. Việc xây dựng tuyến đường này nhằm giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại đây do lượng xe quá lớn, trong khi mặt đường chỉ rộng khoảng 20 m.
Ngoài ra, UBND TP HCM dự kiến trình HĐND thành phố một số dự án trọng điểm khác như: làm các đoạn 1, 2, 4 để khép kín Vành đai 2; mở rộng các cửa ngõ thành phố (quốc lộ 22 - từ An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, quận 12), quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), nạo vét và cải tạo hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp).
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết sau khi được HĐND thành phố thông qua, đơn vị sẽ triển khai các bước để thi công và hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025. Các công trình này góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông thành phố và từng bước khắc phục tình trạng kẹt xe.
Tác Giả: Hữu Công
Nguồn Tin: https://vnexpress.net/
Tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ được đề xuất đầu tư trước 76,34 km với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế và đường song hành hai bên với tổng mức đầu tư khoảng 83.290 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong năm 2022, TP sẽ xây dựng, triển khai đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc TP.
Thông tin khu đô thị Tây Bắc TP HCM đã có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện khiến nhiều người vui mừng và hy vọng sớm thoát quy hoạch "treo" kéo dài