UBND TP HCM vừa chấp thuận kiến nghị của Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) về việc lập điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 khu đô thị Tây Bắc. Các đề xuất của Sở QH-KT gồm: giảm quy mô khu đô thị này từ 6.084 ha còn 4.410 ha, điều chỉnh quy mô dân số từ 300.000 lên 600.000 người cho toàn khu đô thị…
Ðiều chỉnh để đẩy nhanh tiến độ
Theo Sở QH-KT TP HCM, việc sở kiến nghị UBND thành phố sớm điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 khu đô thị Tây Bắc là nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch.
"UBND TP HCM đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung, trình Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ để trình duyệt theo quy định. Nếu chờ đến khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM được duyệt rồi mới thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 khu đô thị Tây Bắc thì thời gian kéo dài đến 2-3 năm, gây bức xúc thêm cho người dân bị ảnh hưởng vì quy hoạch này đã "treo" nhiều năm" - đại diện Sở QH-KT TP HCM giải thích.
Theo đại diện Sở QH-KT TP HCM, việc điều chỉnh quy hoạch lần này là phù hợp với quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Sở QH-KT sẽ hướng dẫn Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc hoàn tất các thủ tục pháp lý, bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ và trình đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 để UBND TP HCM phê duyệt rồi lập tức bắt tay vào thực hiện ngay.
Giải thích lý do giảm diện tích, tăng quy mô dân số, Sở QH-KT lập luận trong quy hoạch chung TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, khu đô thị Tây Bắc có quy mô 6.084 ha, ranh giới nằm trên 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, được định hướng trở thành khu đô thị vệ tinh của thành phố. Sau khi duyệt quy hoạch, TP HCM đã tập trung kêu gọi đầu tư thông qua việc thành lập Ban Quản lý đầu tư xây dựng. Thế nhưng, gần 20 năm nay, khu đô thị này chưa thể triển khai do vướng mắc kéo dài về đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh quy hoạch. Chưa kể, do khu đô thị cách xa trung tâm TP HCM, kết nối hạ tầng giao thông, giao thương kinh tế, hành chính chưa thuận tiện nên khó thu hút nhà đầu tư.
Ðến năm 2020, UBND TP HCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 khu đô thị Tây Bắc làm cơ sở lập đồ án theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc lập đồ án đã gặp một số vướng mắc như: khu vực quy hoạch có khu dân cư hiện hữu khoảng 58.000 người trên diện tích 1.674 ha, khu vực này không phù hợp là khu đô thị mới theo điều 3 Luật Quy hoạch (khu dân cư mới phải được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…) nên cần phải tách khu dân cư này ra khỏi quy hoạch.
Trước thực tế trên, Sở QH-KT TP HCM kiến nghị giảm quy mô khu đô thị này từ 6.084 ha còn 4.410 ha. Kế đến, sau khi tách khu dân cư hiện hữu khoảng 85.000 người (dự kiến năm 2025) ra thì quy mô dân số còn lại trên diện tích 4.410 ha rất thấp, không bảo đảm chỉ tiêu theo tiêu chuẩn, khó đáp ứng tính chất đô thị, không khả thi trong việc thu hút đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng đất. Vì vậy, Sở QH-KT kiến nghị điều chỉnh quy mô dân số từ 300.000 lên 600.000 người cho toàn khu đô thị.
Ngoài ra, để tăng tính khả thi khi thực hiện quy hoạch, Sở QH-KT TP HCM còn kiến nghị giảm quy mô khu đào tạo đại học từ 306 ha còn 150 ha. Bởi lẽ, với diện tích 306 ha thì rất khó kêu gọi đầu tư…
Nhiều khu đất ở huyện Củ Chi, TP HCM bị bỏ hoang do quy hoạch khu đô thị Tây Bắc chậm thực hiện
Chờ đợi 20 năm
Từ ngã tư An Sương theo Quốc lộ 22 hướng về huyện Củ Chi, khu đô thị Tây Bắc TP HCM nằm bên trái hành lang Quốc lộ 22, kéo dài từ xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn qua các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, thị trấn Củ Chi, Phước Hiệp và Thái Mỹ của huyện Củ Chi. Quy hoạch "treo" lâu năm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của 60.000 người dân trên diện tích 1.674 ha.
Nếu như đầu năm 2021, nhiều người dân địa phương khi được hỏi đến khu đô thị Tây Bắc đều ngán ngẩm vì quy hoạch "treo" quá lâu, đã 20 năm. Thế nhưng, hiện nay, nhiều người đã nhen nhóm hy vọng thoát quy hoạch "treo" trước những kiến nghị của Sở QH-KT và sự chấp thuận của UBND TP HCM.
Ông Huỳnh Văn Cơ (ngụ ấp Giữa, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cho biết gia đình ông có mảnh đất 1.500 m2, hiện có 3 căn nhà xây từ năm 2003, 1 căn vợ chồng ông và con trai út ở, 2 căn còn lại chia cho 2 người con và 1 mảnh đất trống cho con gái. Lo ngại tuổi cao sức yếu, nhiều năm nay, ông Cơ đi khắp nơi hỏi han thủ tục hợp thức hóa nhà nhưng quá rườm rà vì vướng quy hoạch.
"Tôi sợ tuổi cao, qua đời đột ngột rồi con cái không thuận hòa trong phân chia tài sản nên rất muốn sớm giải quyết chuyện đất đai. Tôi mong nhà nước sớm thực hiện quy hoạch, nếu phải vay nợ để hợp thức hóa nhà cửa, chúng tôi cũng an tâm" - ông bày tỏ. Ông Cơ hy vọng lần điều chỉnh quy hoạch này sẽ làm thật nhanh, thật quyết liệt để mọi thứ rõ ràng, quyền lợi người dân được bảo đảm.
Ðể chuẩn bị xây căn nhà nhỏ bên mảnh vườn khi về hưu, từ năm 2000, ông Nguyễn Tấn (ấp Bến Ðò 2, xã Tân Phú Trung) đã chuyển 120 m2 đất sang thổ cư. Thế nhưng, năm 2019, ông nhờ người quen làm thủ tục xin xây dựng căn nhà cấp 4 để về ở thì mới thấy thủ tục quá nhiêu khê.
"Tôi bị bắt buộc phải ký cam kết tự tháo dỡ công trình nếu sau này thực hiện quy hoạch. Giờ sống trong căn nhà mà chẳng biết nó tồn tại đến bao giờ nên bản thân vẫn canh cánh nỗi lo. Do đó, hay tin có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện khu đô thị này với những kiến nghị rõ ràng, tôi mừng lắm" - ông Tấn bộc bạch.
Ở các xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Phước Hiệp…, với đa số người dân sống nhờ nghề nông, quy hoạch "treo" nhiều năm nay đã khiến đời sống kinh tế của bà con giậm chân tại chỗ. "Làm nông quanh năm suốt tháng không dư dả gì, đất đai nhà ai cũng rộng nhưng không thể xây dựng nhà xưởng, nhà trọ để tăng thu nhập. Chưa kể, lúc cần vốn để làm ăn, mang sổ đỏ ra ngân hàng, họ cũng không nhận vì nói là khu đất thuộc quy hoạch "treo". Vợ chồng tôi đã già rồi nên chỉ mong quy hoạch được đẩy nhanh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân" - bà Bùi Thị Lan, ngụ xã Tân Thông Hội, thổ lộ.
Tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ được đề xuất đầu tư trước 76,34 km với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế và đường song hành hai bên với tổng mức đầu tư khoảng 83.290 tỷ đồng.