Theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28.9.2011, đường Vành đai 3 đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TPHCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỉ lệ 17,92%). Trong khi đó, 3 đoạn còn lại gồm đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3km; đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TPHCM) dài 17,5km; đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) dài 29,2km vẫn chưa thi công.

Trao đổi với Báo Lao Động, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho biết, theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 3 tuyến đường Vành đai với tổng chiều dài khoảng 356km. Trong đó, đường Vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành, đường Vành đai 3, Vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường Vành đai 3 kết nối TPHCM với nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... sẽ giải quyết rất lớn việc vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng.

Chưa kể sau này, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường vành đai sẽ hình thành thêm một hướng kết nối, các phương tiện không cần đi vào đường nội đô để lên cao tốc, giúp giảm lượng lớn phương tiện cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm thành phố đến sân bay.

Bên cạnh đó, tuyến Vành đai 3 hình thành sẽ kích thích phát triển đô thị hóa dọc tuyến, góp phần giãn dân, giảm áp lực giao thông cho TPHCM.

“Tiến độ đường Vành đai 3 đóng vai trò rất lớn đối với các dự án giao thông trọng điểm của khu vực đã có trong quy hoạch. Hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ cao hơn khi có sự kết nối giao thông từ đường Vành đai 3; cao tốc TPHCM - Mộc Bài đang được xúc tiến triển khai, điểm đầu chính là đường Vành đai 3. Nếu không triển khai đồng bộ sẽ tạo ra bất cập trong việc kết nối hạ tầng, không phát huy được hiệu quả đầu tư của các tuyến cao tốc này” - ông Cương nhận định.

Theo ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TPHCM, với 3 đoạn còn lại của Vành đai 3, riêng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có 2 dự án thành phần: 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, dài 8,7km) và 1B (từ cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao trạm 2 xa lộ Hà Nội, dài gần 9km) đã xác định được nguồn vốn đầu tư.

Trong đó, dự án 1A tổng đầu tư 5.329 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc (gần 4.200 tỉ đồng), còn lại vốn đối ứng của Chính phủ. Dự án 1B tổng vốn gần 4.000 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Hai dự án này dự kiến khởi công trong quý III năm nay.

Đối với hai đoạn còn lại là Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức, tổng chiều dài 48km, hiện đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng vốn hơn 24.300 tỉ đồng. Vốn đầu tư hai đoạn này lần lượt được đề xuất vay từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Hai đoạn này đã được trình báo cáo tiền khả thi và Bộ GTVT đang xem xét.

Ông Phan Công Bằng cho hay, để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường Vành đai 3, Sở GTVT đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn trung hạn và hoàn thành giai đoạn 2021-2025.

MINH QUÂN